Nằm giữa trung tâm TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là nơi lưu giữ những bằng chứng sống về một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật, hình ảnh, và tư liệu phản ánh hậu quả khốc liệt của chiến tranh, đồng thời cảm nhận sâu sắc về tinh thần yêu nước và sự kiên cường của người dân Việt Nam trong suốt những năm tháng kháng chiến. Cùng Vivu Việt Nam khám phá tại đây!
Đôi nét về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Trước khi đến với hoạt động tham quan, khám phá Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về địa điểm ý nghĩa này:
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở đâu?
Thông tin cơ bản về bảo tàng:
- Địa chỉ: 28 Võ Văn Tần, Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM
- Hoạt động: 07:30 – 17:30
- Liên hệ: 028 3930 5587
- Giá vé tham khảo: 40.000 VNĐ/người/lượt (có chính sách đặc biệt cho trẻ em, người già, sinh viên và người khuyết tật)
- Lượng khách hàng năm: > 1.000.000 khách
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc tại số 28 đường Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM. Đây là một trong những bảo tàng quan trọng nhất ở Việt Nam, thuộc hệ thống các Bảo tàng vì Hòa bình Thế giới và Hội đồng các bảo tàng quốc tế (ICOM). Với diện tích trưng bày rộng lớn, bảo tàng này là nơi lưu giữ, bảo quản và giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam.
Bảo tàng mở cửa từ 7:30 sáng đến 17:30 hàng ngày với mức giá vé tham quan là 40.000 VNĐ/người/lượt. Trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật và hộ nghèo được miễn phí tham quan, còn học sinh, sinh viên và người cao tuổi được hưởng mức giá ưu đãi. Hãy cập nhật thông tin mới nhất qua các kênh thông tin chính thức của Bảo tàng để biết chính xác giá vé tham quan, bạn nhé!
Tổng hợp 1000+ địa điểm du lịch nổi tiếng, góc check-in đẹp và danh lam thắng cảnh hấp dẫn trên khắp toàn quốc bạn không thể bỏ lỡ!
Lịch sử hình thành của Bảo tàng
Sau khi Việt Nam thống nhất hai miền, ngày 04/09/1975, bảo tàng chính thức mở cửa với tên gọi ban đầu là Nhà Trưng bày Tội ác Mỹ – Ngụy. Đây là nơi lưu trữ những chứng tích của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đến năm 1990, bảo tàng đổi tên thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh Xâm lược, và chính thức mang tên Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vào ngày 04/07/1995.
Từ ngày thành lập đến nay, bảo tàng đã đón tiếp hơn 15 triệu lượt khách, và hiện đang lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, với 1.500 hiện vật được trưng bày theo 8 chuyên đề. Năm 2002, bảo tàng đã trải qua một đợt hiện đại hóa toàn diện để cải thiện trải nghiệm tham quan, đồng thời trưng bày thêm nhiều tài liệu liên quan đến các thời kỳ chiến tranh xâm lược và thời kỳ xây dựng đất nước.
Khám phá những điểm đặc biệt bên trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có 3 khu vực tham quan chính là khu tầng trệt, tầng 1 và tầng 2:
Tham quan tầng trệt
Tầng trệt của bảo tàng tập trung vào việc trưng bày chuyên đề “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ”. Chuyên đề này tái hiện những cuộc biểu tình và hoạt động của nhân dân trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến từ năm 1954 đến 1975. Với 100 bức ảnh và 145 hiện vật, chuyên đề này không chỉ khắc họa sự đồng lòng của thế giới với Việt Nam mà còn minh chứng cho sự chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.
Ngoài ra, khu vực bên ngoài tầng trệt là nơi trưng bày các hiện vật có kích thước lớn, bao gồm xe tăng, máy bay và mô hình nhà tù được xây dựng bởi chính quyền Mỹ và Sài Gòn để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Mô hình này gợi lên hình ảnh địa ngục trần gian, nơi nhiều người cảm thấy xúc động mạnh mẽ khi chứng kiến sự tàn bạo của chiến tranh.
Tham quan tầng 1
Lầu 1 của bảo tàng trưng bày các chuyên đề “Tội ác chiến tranh xâm lược” và “Hậu quả chất độc màu da cam”. Các hiện vật và hình ảnh tại đây minh họa sự tàn phá của cuộc chiến tranh đối với cả môi trường và con người, từ những tội ác chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đến hậu quả khốc liệt của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng.
Chuyên đề “Hậu quả chất độc da cam” thu hút sự quan tâm đặc biệt với các bức ảnh và hiện vật khắc họa sự ảnh hưởng lâu dài của chất độc này đối với hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ sinh sau chiến tranh.
Tham quan tầng 2
Lầu 2 của bảo tàng dành cho các chuyên đề về “Những sự thật lịch sử” và “Hồi niệm”, với những bức ảnh và hiện vật ghi lại sự tàn phá của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bộ sưu tập các bức ảnh chụp bởi những nhiếp ảnh gia đã mất khi tác nghiệp trên chiến trường Đông Dương, đặc biệt là những bức ảnh từ phóng viên nổi tiếng Nhật Bản Ishikawa Bunyo và Goro Nakamura, là những tài liệu quý giá khắc họa rõ nét sự khốc liệt của chiến tranh và những mất mát lớn lao mà người dân Việt Nam đã phải trải qua.
Những hoạt động diễn ra bên trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Không chỉ là nơi trưng bày cố định, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm và hội thảo về giáo dục lịch sử và văn hóa. Những chương trình nổi bật như “Điện Biên Phủ trên không – 50 năm nhìn lại” hay “Hiệp định Paris về Việt Nam – Cánh cửa đến hòa bình” thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu thêm về các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam.
Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức các triển lãm lưu động với các chủ đề như “Biển đảo Việt Nam” và “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”, góp phần tôn vinh giá trị truyền thống và văn hóa dân tộc.
>> Ăn – Chơi chất khi du lịch Sài Gòn với bộ sưu tập “ô mê ly” từ Vivu Việt Nam <<
Một số lưu ý cần biết khi tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Để có một chuyến tham quan suôn sẻ và ý nghĩa tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, du khách cần lưu ý một số điều sau:
- Trang phục lịch sự và để xe đúng nơi quy định.
- Giữ trật tự và không ăn uống trong khu vực bảo tàng.
- Không tự ý chạm vào hiện vật để bảo quản tài sản chung.
- Không mang vũ khí hay chất cấm, tuân thủ mọi quy định của bảo tàng.
- Đối với những đoàn khách đông người, nên liên hệ trước để tránh chờ đợi lâu và có hướng dẫn cụ thể.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ là một điểm đến lịch sử, mà còn là nơi để mỗi người dân, du khách hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình, về sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha ông trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập. Đây thực sự là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi bạn có dịp ghé thăm thành phố mang tên Bác trong mùa hè năm nay.