Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km, nơi đây là di tích lịch sử, được ví như “mê cung dưới lòng đất”. Ghé thăm địa đạo Củ Chi, du khách có cơ hội khám phá mạng lưới ẩn nấp và kháng chiến của bộ đội ta. Hôm nay, bạn hãy cùng Vivu Việt Nam khám phá sự tài hoa trên con đường cách mạng của cha ông ta thông qua bài viết dưới đây nhé!
Vị trí và lịch sử hình thành địa đạo Củ Chi
Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tọa lạc tại đường tỉnh lộ 15, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, TP.HCM. Từ trung tâm thành phố, du khách chỉ cần di chuyển khoảng 70 km là đến được địa đạo.
Khu vực địa đạo cho phép khách du lịch tham quan có tổng chiều dài 250km, có 3 tầng sâu khác nhau. Trong đó, tầng cao nhất nằm cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất 6m và tầng sâu nhất cách tới 12m. Tại Đông Nam Á, Địa đạo Củ Chi lọt top 7 điểm đến kỳ lạ và top 6 công trình nhân tạo nổi tiếng trên thế giới.
Địa đạo được hình thành gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946 – 1948. Công trình được thực hiện bởi quân và dân xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An nhằm ẩn nấp, cấp giữ vũ khí, quân tư trang. Sau địa đạo cũng là bệnh viện, hoạt động cách mạng và nghiên cứu vũ khí.
Ban đầu, mỗi ngôi làng đều có một hầm căn cứ riêng và không thông nhau. Nhưng do nhu cầu đi lại, nên người dân bắt đầu kết nối hầm với nhau để tạo một hệ thống liên hoàn. Công trình hiện nay đã nối liền 6 xã phía Bắc, trở thành công trình quân sự để liên lạc, che giấu lực lượng, họp bàn kế hoạch cách mạng.
Đến năm 1961 – 1965, công trình đã phát triển, thông ra nhiều nhánh với nhau. Phía trên công trình còn được trang bị nhiều hố đinh, hầm chông, bãi mìn,…
Hướng dẫn đường đi đến khu du lịch địa đạo Củ Chi
Địa điểm du lịch Sài Gòn này cách trung tâm thành phố khoảng 70km về hướng Tây Bắc. Du khách có thể đến đây bằng xe máy, ô tô, taxi hoặc xe buýt:
- Xe máy và xe ô tô tự lái: Nếu bạn xuất phát từ trung tâm thành phố, hãy đi từ Bến Thành, qua đường Cách Mạng tháng 8. Sau đó vào tuyến đường Trường Chinh, cầu An Sương, QL 22, Bà Triệu, Trưng Nữ Vương,… Tiếp đến là đi thẳng qua thị trấn Hóc Môn, qua cầu Sáng, chạy theo tỉnh lộ 15, qua ngã tư Tân Quy, cầu Bến Nầy, chợ Phú Hòa Đông. Đi thêm một đoạn ngắn là bạn đến được khu di tích.
- Đi taxi: Nếu bạn đi taxi để đến địa đạo thì giá sẽ giao động từ 500.000 – 700.000 VND/lượt cho ngày thường. Ngày lễ giá taxi có thể cao hơn gấp đôi.
- Đi xe buýt: Nếu đi xe buýt, bạn có thể ra Bến Thành, bắt tuyến xe 13 đến bến xe Củ Chi. Sau đó tiếp tục đi xe 79 để đến Địa đạo Củ Chi. Thời gian di chuyển đến địa đạo bằng xe buýt kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi.
Hành trình khám phá địa đạo Củ Chi có gì thú vị?
Khi đến địa đạo, bạn có thể ghé thăm nhiều điểm đến tuyệt vời như:
Tham quan hầm địa đạo
Du khách được ghé thăm, chiêm ngưỡng đoạn đường hầm – nơi mà quân và dân hoạt động trong thời kỳ kháng chiến. Hầm đã được nới rộng, có hệ thống thông khí và làm mát, chiều dài 120m với 2 tầng.
Sau khi tham quan hầm, du khách còn được thưởng thức những món ăn mà ngày xưa dân và quân kháng chiến ăn dưới hầm, bao gồm một số món như: Củ mài chấm muối vừng, khoai sắn, rau rừng,…
Thử sức với súng thật tại địa đạo Củ Chi
Du khách đến địa đạo còn được trực tiếp tham gia hoạt động tháo lắp súng, bắn súng thật. Nhân viên du lịch sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách bắn. Tất nhiên, bạn sẽ được trang bị tai nghe, bảo hộ an toàn trước khi bắn súng thật. Mức vé cho trải nghiệm này là 50.000 VND/người/60 phút.
Thưởng thức trái cây Trung An trong khi di tích
Ngoài tham quan các di tích lịch sử, du khách còn được tham quan, thưởng thức các loại trái cây thơm ngon ngay tại vườn. Bạn sẽ được tận tay hái và nếm vị chôm chôm, sầu riêng, mận, mít,…
Ghé thăm trạm cứu hộ động vật hoang dã gần khu di tích
Trạm cứu hộ động vật hoang dã chỉ cách trung tâm khu du lịch khoảng 1km, nằm giữa bến Dược và bến Đình. Nơi đây cũng là trạm cứu hộ lớn nhất khu vực phía Nam, có hơn 3600 loài động vật quý hiếm. Du khách còn được nghe những câu chuyện về việc “giải cứu” động vật khỏi các tay buôn, cách chăm sóc, chữa bệnh cho chúng.
Địa đạo Củ Chi với diện tích rộng lớn, không gian xanh mát, có nhiều hoạt động giải trí, mang du khách như quay trở lại thời kỳ kháng chiến. Bạn có cơ hội thấy được sự gian khổ, lòng yêu nước của cha ông xưa. Trên đây là những đánh giá về Địa đạo Củ Chi từ Vivu Việt Nam, hy vọng với những thông tin này, bạn đã có thêm thông tin và sẵn sàng cho chuyến đi của mình nhé!